Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Mong được mổ tim để sống nuôi con



Chưa đầy 40 tuổi, nhưng trông chị Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1976, ngụ ấp Phú Bằng, xã An Linh, huyện Phú Giáo như đã gần tuổi 50. Cơ sự như vậy cũng bởi chị Huệ phải gánh trong mình cùng một lúc hai căn bệnh hiểm nghèo: Bướu cổ ác tính và bệnh tim đã ở giai đoạn nặng cần phải mổ chị mới có thể tiếp tục sống.


 Họa vô đơn chí
Tiếp chúng tôi trong căn nhà Đại đoàn kết vừa được xã xây tặng vào tháng 6-2012, chị rưng rưng nước mắt: “Tài sản lớn nhất của tôi hiện nay là 2 đứa con đang tuổi ăn học, cháu lớn sinh năm 2001, cháu nhỏ sinh năm 2003. Tôi chỉ sợ bệnh tật như thế này một ngày nào đó không may tôi ra đi thì các con tôi sẽ biết nương tựa vào ai?”. Gạt nỗi tủi thân, chị nghẹn ngào cho biết chị bị bệnh bướu cổ đã 12 năm nay, đi khám bác sĩ cho biết do bướu ác nên không thể mổ mà chỉ uống thuốc khống chế. Lúc đó, vợ chồng còn ở với nhau, đi cạo mủ cao su thuê cho người ta nên cuộc sống cũng không đến nỗi khốn khó. Những tưởng nỗi đau đó sẽ được xoa dịu bởi 2 đứa con trai ngoan ngoãn, thì năm 2008, trong một lần đi tái khám bác sĩ cho biết chị bị bệnh tim. Đó cũng là lúc dồn dập những bi kịch đến với chị. Người chồng bỏ đi, chỉ lâu lâu mới về thăm con. Đến năm 2010, bệnh tim của chị chuyển sang giai đoạn nặng, nên chị đành bỏ nghề cạo mủ cao su chuyển sang buôn bán chạy chợ kiếm bữa cơm, bữa cháo mẹ con đắp đổi qua ngày. Chị cho biết, hiện nay mỗi ngày buôn bán như vậy kiếm được khoảng 60 ngàn đồng, bữa nào khá thì cũng được 100 ngàn đồng, ngày mưa hay bữa nào mệt thì không có. Như vậy mỗi tháng vừa tiền trợ cấp bảo trợ xã hội 340 ngàn đồng thì thu nhập mỗi tháng của mẹ con chị khoảng trên dưới 2 triệu đồng trong điều kiện chị vẫn khỏe để chạy chợ hàng ngày. Số tiền này chỉ đủ 3 mẹ con sống qua ngày. Đó còn chưa kể hàng tháng chị vẫn phải đều đặn đi bệnh viện để kiểm tra, lấy thuốc về uống, mỗi lần như vậy cũng hết khoảng 1 triệu đồng tiền chi phí, thuốc men. Cho nên chị không đủ tiền để đi điều trị bệnh được.

 
  Một tay nuôi hai con thơ, trong khi phải chịu đựng cùng lúc hai căn bệnh hiểm nghèo, chị Nguyễn Thị Huệ chỉ mong có một trái tim khỏe mạnh để nuôi con nên người


Mong được mổ tim để sống mà nuôi con
Nhìn hai đứa con đang tuổi ăn học, vô tư đuổi nhau ngoài sân chị như thắt lòng “Ước gì tôi có được điều kiện mổ tim để có thể kéo dài cuộc sống của mình, làm việc để nuôi cho hai đứa chúng nó ăn học nên người”. Theo bệnh án của khoa Phẫu thuật tim - Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chị Nguyễn Thị Huệ bị dãn thắt túi và nhĩ trái; van hai lá dày, xơ hóa mép van 1/3, co rút lá van, hở van hai lá 3/4. Chỉ định thay van lá, phẫu thuật; chi phí 70 triệu đồng. Nhìn vào bản viện phí, chị buồn rầu: Với chi phí này, tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến một ngày nào đó mình có thể đủ tiền để đi phẫu thuật tim. Còn sống được ngày nào thì tôi cũng ráng làm ngày đó để lo cho hai con.
Còn nỗi đau nào hơn khi bệnh tật có thể chữa được nhưng đành bất lực nhìn sự sống cứ dần trôi đi, còn nỗi đau nào hơn khi nhìn con trẻ cứ vô tư chơi đùa mà không hề biết rằng mẹ chúng đang dần xa chúng vì cảnh nghèo, bần cùng mà bất lực. Chị Nguyễn Thị Huệ đang cần những tấm lòng sẻ chia để chị có điều kiện được mổ tim, để kéo sự sống của chị dài thêm, để hai tâm hồn con trẻ ngây thơ không phải bơ vơ khi trái tim người mẹ cạn khô dòng máu đỏ.
 HOÀI PHƯƠNG

Một nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí mổ tim cho chị Nguyễn Thị Huệ

Trong hai tuần qua, chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” tiếp tục thông tin các trường hợp khó khăn cần được giúp đỡ, một lần nữa bạn đọc gần xa đã quan tâm và đồng hành với báo trên bước đường hoạt động nhân đạo. Đặc biệt, bà Nguyễn Phương Hằng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đã quyết định hỗ trợ chi phí mổ tim cho chị Nguyễn Thị Huệ ở xã An Linh (Phú Giáo), nhân vật trong bài viết: “Mẹ bệnh tim nuôi con bại liệt”.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Mong có tiền mổ tim để làm việc phụ giúp vợ con


(BDO)
Cầm tờ giấy báo chi phí mổ tim trên 70,5 triệu đồng, vợ chồng anh Hồ Thanh Dũng - chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo bủn rủn cả tay chân. Số tiền lớn như thế này, anh chị lấy đâu ra khi cái ăn hàng ngày còn thiếu thốn. Trong khi đó, ngày hạn cuối mổ tim cho anh đã đến gần…
Ngày 24-4-2012, anh Dũng quyết định đón xe lên Viện tim TP.HCM khám để xem sức khỏe, bệnh tình diễn biến thế nào mà “dạo này cứ ngất lên xỉu xuống hoài”. Biết mình có bệnh trong người từ trước nhưng vì nhà nghèo nên anh Dũng và vợ chưa dám nghĩ việc đi mổ tim. Thế nên, khi bác sĩ báo với anh chị về chuẩn bị kinh phí để mổ tim cho anh thì hai vợ chồng hết sức lo lắng. Hơn 70,5 triệu đồng chi phí mổ tim đối với anh chị quả là quá lớn, ngoài khả năng. Trong khi đó, bác sĩ cho biết, với tình trạng sức khỏe của anh như vậy thì phải nhập viện để mổ tim trong vòng 6 tháng sau khi nhận giấy báo, nếu không sức khỏe sẽ khó lường trước. Đến nay, đã gần thời hạn 6 tháng nhưng anh chị vẫn chưa dành dụm được đồng nào. Anh Dũng bộc bạch: “Bác sĩ khám bảo tôi phải mổ tim mới mong khỏe lại. Nhưng mấy năm nay tôi có đi làm được gì đâu, chỉ có mình vợ tôi đi cạo mủ thuê thì chỉ đủ ăn cho cả nhà, lấy đâu ra số tiền lớn như thế cho tôi làm phẫu thuật…”
Phải mổ tim anh Dũng mới mong khỏe lại phụ giúp vợ con.
Từ nhỏ, anh Dũng đã bị bệnh hở van tim nhưng ba mẹ cũng nghèo khó nên anh phải sống chung với bệnh từ đó đến nay. Sau khi lấy vợ, vợ chồng đều đi cạo mủ cao su thuê cho người ta, rồi 2 đứa con lần lượt ra đời nên chi phí sinh hoạt cho cả nhà càng tăng lên. Biết rằng, nếu không chữa trị thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng thêm, nhưng cái ăn hàng ngày còn phải chạy bữa thì lấy đâu ra kinh phí cho anh nhập viện. Anh Dũng cho biết: “Nhiều hôm đang đi cạo mủ tôi ngất giữa chừng. Ngất hoài như thế nên chủ không thuê nữa”. 2 năm trở lại đây, bệnh trở nặng nên anh không còn phụ giúp cho vợ được gì. Chị Phượng cho biết, hồi trước, 2 vợ chồng đi cạo mủ một ngày kiếm hơn 200 ngàn đồng. Nhưng khi anh bệnh nặng, chỉ mình chị đi cạo nên tiền thu nhập cũng ít đi một nữa. Mọi chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào việc cạo mủ thuê của chị. Ngoài cái ăn hàng ngày còn phải lo tiền thuốc thang cho anh, tiền mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho đứa con nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mới mổ cách nay khoảng một năm, rồi tiền đi học cho đứa con đầu. Chỉ tính riêng tiền thuốc cho anh hàng tháng đã ngốn hết 2,5-3 triệu đồng. Chị Phượng nói: “Ba mẹ, anh chị em 2 bên đều nghèo nên cũng không phụ giúp được gì. Bà nội hiện cũng bị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối. Còn ông bà ngoại trên dưới 60 tuổi nhưng còn đi làm mướn. Vậy nhưng, lâu lâu thấy 2 đứa con tôi tội nghiệp cũng cho thêm tiền mua sữa bồi dưỡng cho cháu nhỏ, cho tiền để tôi đóng tiền nhập học cho bé…”
Để có tiền lo cho chồng con, 11-12 giờ đêm chị Phượng đã phải lục đục dậy để chuẩn bị đồ đạc đi cạo mủ. Chị tâm sự: “Người ta 2-3 giờ sáng mới đi cạo. Còn tôi phải đi sớm hơn mới cạo đủ năng suất để có tiền lo cho cả gia đình. Có đêm tôi chưa kịp ngủ đã phải trở dậy đi làm. Từ ngày bệnh trở nặng, anh Dũng rất khó ngủ. Có đêm anh chỉ ngủ được 1 tiếng đồng hồ, rồi dậy đi đi lại lại ngoài sân. Anh nói nằm khó thở nên dậy đi lại cho dễ thở. Mỗi lần như thế tôi cũng không ngủ được”. Đi cạo về tận nhà thì trời cũng đã sáng. Chị lại quay ra lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi đưa con đi học… “Người ta có điều kiện cho con học bán trú, còn tôi trưa phải đi rước con về. Tiền đó để phụ thêm lo thuốc cho chồng hàng tháng…”, vừa nói chị Phượng vừa đưa tay lên quệt hai dòng nước mắt.
Nhìn vợ vì mình, vì con mà phải làm lụng cực khổ như thế anh rất thương vợ. “Đáng lẽ mình phải làm chỗ dựa cho vợ con, nhưng vì bệnh tật nên nhiều năm qua vợ mình lại trở thành chỗ dựa cho tôi. Là chồng, nhiều khi nghĩ đến chuyện đó mình cũng buồn lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Sức khỏe của tôi giờ không làm được việc gì giúp vợ con cả. Tôi chỉ mong sao có tiền để mổ tim. Có như vậy, mới mong khỏe lại để đi làm việc kiếm tiền lo cho vợ con…”, giọng anh Dũng chùng xuống khi nói về mình. Hy vọng qua bài viết này, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ anh Dũng có đủ kinh phí mổ tim để anh sớm thực hiện được mong ước “là người đàn ông trụ cột chính” của gia đình nhỏ ấy.
                                                                                                   Hồng Thuận

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Anh Nguyễn Văn Ngọc mong được giúp đỡ

(BDO)
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Ngọc được bà con ở huyện Phú Giáo chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chữa trị sau khi bị tai nạn giao thông. Hiện tình trạng sức khỏe của anh rất yếu, lúc tỉnh, lúc mê. Anh Ngọc là người hiền từ, sống có tình cảm, nhưng không có người thân, vợ con…, rất mong được các nhà Mạnh Thường Quân giúp đỡ.

Sáng 24-8, ông Nguyễn Văn Tâm ở ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã tìm đến bệnh viện thăm hỏi, động viên anh Ngọc cố gắng chiến thắng bệnh tật, đồng thời tặng anh Ngọc số tiền 500.000 đồng hỗ trợ thuốc men. Ông Tâm cũng đã liên hệ với phóng viên phụ trách chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương mong kịp thời lên tiếng giúp đỡ anh Ngọc. Ông Tâm cho biết: “Tuy không phải là dân địa phương nhưng nhắc đến Ngọc thì nhiều người biết và thương. Của ít lòng nhiều, bản thân tôi cùng bà con ở xã Phước Hòa rất mong các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ cùng anh Ngọc”.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm đến thăm hỏi anh Ngọc sáng 24-8 tại Bệnh viện
Đa khoa tỉnh.
Sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, anh Ngọc đã qua được cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn lúc tỉnh, lúc mê. Bà Nguyễn Ngọc Sương, người trực tiếp chăm sóc anh Ngọc trong nhiều ngày qua kể: Năm nay anh Ngọc 47 tuổi, quê ở Hải Phòng. Từ nhỏ, anh đã tìm vào Nam sinh sống. Không nhà cửa, không người thân nên anh sống nương tựa vào bà con ở xã Phước Hòa. Ai kêu gì làm đó, làm việc cho ai thì xin ngủ nhờ nhà người đó. Cuộc sống của anh cứ thế hết ngày này sang ngày khác. Nghèo khó, khổ cực bao nhiêu anh cũng đã nếm trải, nhưng nhờ được trời thương cho anh sức khỏe tốt, ít khi bị ốm đau, bệnh tật. Anh rất chăm chỉ làm việc, có thể đảm đương nhiều công việc nặng từ cuốc đất đến đào hầm, đào cống, phụ hồ…
Bà Sương cho biết: “Qua dò hỏi sự việc, một người bạn của anh Ngọc kể lại, chiều 12-8, do xe của anh ấy hết xăng nên chú Ngọc vừa chạy xe máy vừa đẩy xe của bạn. Khi đến đoạn đường đá, chú Ngọc trượt chân té ngã cả người lẫn xe, mình mẫy đấy thương tích. Tôi mong các nhà hảo tâm cứu giúp chú Ngọc, bởi gia đình chúng tôi đã hết cách xoay sở, chữa trị cho chú ấy”.
Cách đây khoảng 20 năm, thấy anh Ngọc lang bạc mãi cũng tội nghiệp, nhất là khi đêm đến không có chỗ để nằm, gia đình bà Sương đã hỗ trợ những vật liệu cũ như tôn, cây để cất tạm cho anh căn chòi nhỏ trên đất của mình. Kể từ ngày đó, anh mới chính thức có nơi sớm tối đi về. Hầu hết thời gian trong mấy chục năm qua anh đều làm công cho những người dân ở xã Phước Hòa. Nhờ siêng năng, tình tình hiền từ nên bà con ai cũng thương. Nhiều lúc, ngoài việc trả lương, bà con còn gói cho anh lon gạo, đùm thức ăn hoặc bó rau lúc ra về. Có đám, tiệc cũng nhờ anh đến phụ giúp khiêng bàn ghế.
Bà Sương tâm sự: “Thấy Ngọc sống một mình cũng tội nghiệp, cứ chiều đến cắm nồi cơm rồi mua gì đó nấu ăn qua bữa là xong. Nhiều lúc khi nấu canh, kho cá tôi đưa cho chú ấy một phần. Có hôm đi về trễ tìm lên nhà than đói bụng, liền vào bếp nhà tôi tìm cơm nguội, mì tôm. Chú Ngọc cũng đã về quê, nhưng rồi lại trở vào. Chú bảo: Ở trong này lâu nên đã quen, về ngoài đó thấy không thích hợp”.
Này nào cũng vậy, dù có đi làm mướn hay không anh Ngọc vẫn thức dậy từ rất sớm nấu nước, pha trà. Sáng 13-8-2012, khi đã 11 giờ trưa anh Ngọc vẫn chưa thức dậy. Thấy có chuyện chẳng lành, bà Sương tìm xuống hỏi thăm thì thấy anh nằm trên võng, tay chân duỗi thẳng xuống đất kiến bu đầy người. Bà gọi mãi không thấy anh trả lời, sờ vào người thì thấy tay chân lạnh ngắt. Tưởng anh Ngọc bị trúng gió nên bà Sương điện thoại cho chồng, con chạy về phụ giúp. Bà nấu cháo anh cũng không thể nuốt nổi, trước hoàn cảnh éo le gia đình bà thay nhau chăm sóc, thuốc men. Được chừng 3 ngày, bà nghe anh Ngọc than nhức đầu nên lập tức đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ ở đây cho biết, anh Ngọc bị chấn thương sọ não, tụ máu bầm trong não nên phải phẫu thuật gấp. Gia đình bà Sương gom góp được 8 triệu đồng, nay đã chữa trị cho anh hết tiền, không biết phải xoay sở làm sao. “Mấy ngày nay, tôi đã tìm đủ cách liên hệ với gia đình anh Ngọc để thông báo tình trang sức khỏe của anh, nhưng được biết phía gia đình anh Ngọc rất khó khăn. Có một người anh ruột từ Đồng Nai qua thăm nhưng rất nghèo, cũng làm thuê cuốc mướn nên không giúp đỡ được gì nhiều”, bà Sương bày tỏ.
Chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm giúp anh Ngọc sớm qua khỏi cơn hiểm nghèo. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ điện thoại: Bà Sương 0169.8653036, hoặc ông Tâm 0986.512139.
Quang Tám

Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo


Ở cái tuổi 71, cái tuổi “xưa nay hiếm” đáng lẽ người mẹ già ấy đã được thanh thản vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng hàng ngày cụ vẫn phải cặm cụi đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi lượm mủ đất bán để lấy tiền nuôi người con trai hơn 40 tuổi bị mù, mắc bệnh tiểu đường. Đó là hoàn cảnh của cụ Lại Thị Phơi, ngụ tổ 2, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo.
Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến thì cụ vẫn đang đi mót mủ đất trong lô cao su. Biết chúng tôi đến để viết về hoàn cảnh của cụ, một người hàng xóm cùng cháu ngoại cụ vội vàng chạy đi tìm cụ. Chờ đợi khoảng 30 phút sau, chúng tôi thấy đi theo sau người hàng xóm là một cụ già nhỏ thó, trên chiếc xe đạp cà tàng phía trước treo một chiếc túi hai quai, phía sau xe ràng một chiếc bao khoảng chừng 3 - 4kg mủ đất. Vội vàng dựng chiếc xe cà tàng vào gốc cây và quệt những giọt mồ hôi đang chảy trên khuôn mặt nhăn nheo cụ nói “do chờ các cô, các chú lâu quá, nên tôi tranh thủ đi mót ít mủ đất về để bán, biết các cô chú đến nên tôi chỉ mót loanh quanh gần đây để khi cần hàng xóm, con cháu tìm cũng tiện. Chứ mọi khi tôi đi cách xa cả chục cây số. Đi xa như vậy để kiếm những lô nhiều mủ đất mới mong có tiền lo cho nó”. Dứt lời, cụ đưa chúng tôi vào một túp lều lụp xụp khoảng chừng 9m2 mà cụ gọi là cái nhà được quây bằng những tấm bạt, rồi cụ chỉ tay vào anh con trai đang nằm trên chiếc võng giữa mùi hôi nồng nặc trong căn lều giữa cái nắng chiều gay gắt. Đó là anh Trần Văn Trung, con trai lớn của cụ Phơi, anh Trung năm nay 43 tuổi hiện đang mắc bệnh tiểu đường mà theo cụ cho biết đã ở giai đoạn nặng (độ 3) và bị mù cả hai mắt. Rưng rưng dòng nước mắt cụ nói về đứa con của mình với một nỗi khát khao. Cụ nói, tôi chỉ cầu mong trời phật cho mình sức khỏe còn kiếm được đồng tiền mà nuôi nó qua ngày. Nó là con trai lớn trong nhà, còn một đứa em gái và một đứa em trai; do tụi nó đứa nào cũng nghèo nên chẳng giúp được gì cho mẹ với anh. Lúc trước thằng Trung nó còn mạnh thì mẹ con mướn nhà ở lắt lây, sau này khi bệnh tiểu đường của nó chuyển qua giai đoạn nặng nó đi lại khó khăn hơn, tiền cũng không có nên mẹ con đành dọn về đây dựng một túp lều trên một phần đất của đứa con rể và một phần đất của hàng xóm cho ở nhờ. Hàng ngày tôi đi mót mủ đất, thời điểm giá mủ cao thì mỗi ngày được từ 20.000 - 25.000 đồng, còn hiện nay thì chỉ khoảng 15.000 đồng là quý lắm.
 
Cụ Lại Thị Phơi và con trai, anh Trần Văn Trung trong túp lều ở đậu
Khó khăn lại càng khó khăn hơn, khi năm 2010 anh Trung bị biến chứng mù cả hai mắt. Theo anh kể nghe một người bạn mách nước muốn trị khỏi bệnh tiểu đường chỉ cần bắt con cóc rồi lấy hạt cau giã ra và nướng lên ăn cùng với cóc sẽ khỏi. Nghe lời mách nước anh Trung làm theo và anh đã mù hoàn toàn đôi mắt. Từ đó đến nay cuộc sống của anh hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ già. Từ tiền ăn, uống hàng ngày cho đến tiền đi bệnh viện điều trị căn bệnh tiểu đường quái ác đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính là mấy trăm ngàn tiền trợ cấp người cao tuổi của cụ Phơi cùng những ngày công mót mủ đất của cụ. Cụ Phơi cho biết mặc dù hiện nay cụ được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhưng số tiền chi phí đi lại, ăn uống và cả thuốc thang không có trong danh mục cấp phát cũng là một khoản tiền khá lớn. Cứ khoảng 10 ngày cụ lại phải đưa anh Trung đi bệnh viện điều trị bệnh khoảng 3 tuần rồi lại về, cứ như vậy suốt mấy năm nay. Lặng nhìn đứa con đau bệnh nằm trên chiếc võng, cụ xót xa: Tôi khổ thế nào cũng chịu được, chỉ mong nó bình phục, mạnh trở lại. Không biết lỡ một ngày nào đó tôi kiệt sức thì nó ra sao đây. Cũng may vừa qua nó vừa được mổ mắt miễn phí, nên hiện nay một mắt nó cũng đã nhìn thấy đường, còn lại một mắt nữa tôi đang chờ mong có đợt nào đó xin cho nó đi mổ tiếp. Dù sao nó nhìn thấy đường và đi lại được, tôi không còn phải lo cho nó tất cả mọi việc thì cũng đỡ phần nào. Giờ chỉ có căn bệnh tiểu đường của nó nữa...
Chia tay cụ Lại Thị Phơi, chúng tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh người mẹ già nhỏ thó đầu đội nón mê, tay dắt chiếc xe đạp cà tàng, phía trước chiếc túi, phía sau chiếc bao, khuôn mặt gầy gò khắc khổ, lúi cúi lượm những miếng mủ đất; hay ngồi trong căn lều lụp xụp cùng với người con trai bệnh đau với mong ước giản dị là “tui chỉ mong sao tôi khỏe mạnh để làm kiếm tiền nuôi nó”. Một ước mong giản dị của một người mẹ đã ngoài 70 nhưng vẫn hàng ngày lặn lội vào lô cao su để nhặt từng miếng mủ đất.
HOÀI PHƯƠNG

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Khám bệng tăng quà nhân ngày thị lực thế giới,October 11, 2011


Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 130 người dân tộc nghèo xã An Bình, huyện Phú Giáo

Ngày 11 tháng 9 năm 2011, Đoàn Thanh niên BVĐK tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tổ chức đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tăng quà cho 130 bà con ở xã An Bình (huyện Phú Giáo), thuộc người dân tộc nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi với kinh phí trên 20 triệu đồng. Bà con đã được đoàn khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn cách phòng trị một số bệnh thường gặp và hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… \
Từ đầu năm đến nay, Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo phối hợp với các đơn vị tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 2.180 bệnh nhân nghèo tại các địa phương trong tỉnh với kinh phí trên 348 triệu đồng.

Sau đây là một số hình ảnh: