Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Anh Nguyễn Văn Ngọc mong được giúp đỡ

(BDO)
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Văn Ngọc được bà con ở huyện Phú Giáo chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chữa trị sau khi bị tai nạn giao thông. Hiện tình trạng sức khỏe của anh rất yếu, lúc tỉnh, lúc mê. Anh Ngọc là người hiền từ, sống có tình cảm, nhưng không có người thân, vợ con…, rất mong được các nhà Mạnh Thường Quân giúp đỡ.

Sáng 24-8, ông Nguyễn Văn Tâm ở ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã tìm đến bệnh viện thăm hỏi, động viên anh Ngọc cố gắng chiến thắng bệnh tật, đồng thời tặng anh Ngọc số tiền 500.000 đồng hỗ trợ thuốc men. Ông Tâm cũng đã liên hệ với phóng viên phụ trách chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương mong kịp thời lên tiếng giúp đỡ anh Ngọc. Ông Tâm cho biết: “Tuy không phải là dân địa phương nhưng nhắc đến Ngọc thì nhiều người biết và thương. Của ít lòng nhiều, bản thân tôi cùng bà con ở xã Phước Hòa rất mong các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ cùng anh Ngọc”.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm đến thăm hỏi anh Ngọc sáng 24-8 tại Bệnh viện
Đa khoa tỉnh.
Sau khi được các bác sĩ tận tình cứu chữa, anh Ngọc đã qua được cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn lúc tỉnh, lúc mê. Bà Nguyễn Ngọc Sương, người trực tiếp chăm sóc anh Ngọc trong nhiều ngày qua kể: Năm nay anh Ngọc 47 tuổi, quê ở Hải Phòng. Từ nhỏ, anh đã tìm vào Nam sinh sống. Không nhà cửa, không người thân nên anh sống nương tựa vào bà con ở xã Phước Hòa. Ai kêu gì làm đó, làm việc cho ai thì xin ngủ nhờ nhà người đó. Cuộc sống của anh cứ thế hết ngày này sang ngày khác. Nghèo khó, khổ cực bao nhiêu anh cũng đã nếm trải, nhưng nhờ được trời thương cho anh sức khỏe tốt, ít khi bị ốm đau, bệnh tật. Anh rất chăm chỉ làm việc, có thể đảm đương nhiều công việc nặng từ cuốc đất đến đào hầm, đào cống, phụ hồ…
Bà Sương cho biết: “Qua dò hỏi sự việc, một người bạn của anh Ngọc kể lại, chiều 12-8, do xe của anh ấy hết xăng nên chú Ngọc vừa chạy xe máy vừa đẩy xe của bạn. Khi đến đoạn đường đá, chú Ngọc trượt chân té ngã cả người lẫn xe, mình mẫy đấy thương tích. Tôi mong các nhà hảo tâm cứu giúp chú Ngọc, bởi gia đình chúng tôi đã hết cách xoay sở, chữa trị cho chú ấy”.
Cách đây khoảng 20 năm, thấy anh Ngọc lang bạc mãi cũng tội nghiệp, nhất là khi đêm đến không có chỗ để nằm, gia đình bà Sương đã hỗ trợ những vật liệu cũ như tôn, cây để cất tạm cho anh căn chòi nhỏ trên đất của mình. Kể từ ngày đó, anh mới chính thức có nơi sớm tối đi về. Hầu hết thời gian trong mấy chục năm qua anh đều làm công cho những người dân ở xã Phước Hòa. Nhờ siêng năng, tình tình hiền từ nên bà con ai cũng thương. Nhiều lúc, ngoài việc trả lương, bà con còn gói cho anh lon gạo, đùm thức ăn hoặc bó rau lúc ra về. Có đám, tiệc cũng nhờ anh đến phụ giúp khiêng bàn ghế.
Bà Sương tâm sự: “Thấy Ngọc sống một mình cũng tội nghiệp, cứ chiều đến cắm nồi cơm rồi mua gì đó nấu ăn qua bữa là xong. Nhiều lúc khi nấu canh, kho cá tôi đưa cho chú ấy một phần. Có hôm đi về trễ tìm lên nhà than đói bụng, liền vào bếp nhà tôi tìm cơm nguội, mì tôm. Chú Ngọc cũng đã về quê, nhưng rồi lại trở vào. Chú bảo: Ở trong này lâu nên đã quen, về ngoài đó thấy không thích hợp”.
Này nào cũng vậy, dù có đi làm mướn hay không anh Ngọc vẫn thức dậy từ rất sớm nấu nước, pha trà. Sáng 13-8-2012, khi đã 11 giờ trưa anh Ngọc vẫn chưa thức dậy. Thấy có chuyện chẳng lành, bà Sương tìm xuống hỏi thăm thì thấy anh nằm trên võng, tay chân duỗi thẳng xuống đất kiến bu đầy người. Bà gọi mãi không thấy anh trả lời, sờ vào người thì thấy tay chân lạnh ngắt. Tưởng anh Ngọc bị trúng gió nên bà Sương điện thoại cho chồng, con chạy về phụ giúp. Bà nấu cháo anh cũng không thể nuốt nổi, trước hoàn cảnh éo le gia đình bà thay nhau chăm sóc, thuốc men. Được chừng 3 ngày, bà nghe anh Ngọc than nhức đầu nên lập tức đưa xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Giáo, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ ở đây cho biết, anh Ngọc bị chấn thương sọ não, tụ máu bầm trong não nên phải phẫu thuật gấp. Gia đình bà Sương gom góp được 8 triệu đồng, nay đã chữa trị cho anh hết tiền, không biết phải xoay sở làm sao. “Mấy ngày nay, tôi đã tìm đủ cách liên hệ với gia đình anh Ngọc để thông báo tình trang sức khỏe của anh, nhưng được biết phía gia đình anh Ngọc rất khó khăn. Có một người anh ruột từ Đồng Nai qua thăm nhưng rất nghèo, cũng làm thuê cuốc mướn nên không giúp đỡ được gì nhiều”, bà Sương bày tỏ.
Chuyên mục “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm giúp anh Ngọc sớm qua khỏi cơn hiểm nghèo. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ điện thoại: Bà Sương 0169.8653036, hoặc ông Tâm 0986.512139.
Quang Tám

Người mẹ già nuôi con bệnh hiểm nghèo


Ở cái tuổi 71, cái tuổi “xưa nay hiếm” đáng lẽ người mẹ già ấy đã được thanh thản vui vầy cùng con cháu. Thế nhưng hàng ngày cụ vẫn phải cặm cụi đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi lượm mủ đất bán để lấy tiền nuôi người con trai hơn 40 tuổi bị mù, mắc bệnh tiểu đường. Đó là hoàn cảnh của cụ Lại Thị Phơi, ngụ tổ 2, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo.
Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến thì cụ vẫn đang đi mót mủ đất trong lô cao su. Biết chúng tôi đến để viết về hoàn cảnh của cụ, một người hàng xóm cùng cháu ngoại cụ vội vàng chạy đi tìm cụ. Chờ đợi khoảng 30 phút sau, chúng tôi thấy đi theo sau người hàng xóm là một cụ già nhỏ thó, trên chiếc xe đạp cà tàng phía trước treo một chiếc túi hai quai, phía sau xe ràng một chiếc bao khoảng chừng 3 - 4kg mủ đất. Vội vàng dựng chiếc xe cà tàng vào gốc cây và quệt những giọt mồ hôi đang chảy trên khuôn mặt nhăn nheo cụ nói “do chờ các cô, các chú lâu quá, nên tôi tranh thủ đi mót ít mủ đất về để bán, biết các cô chú đến nên tôi chỉ mót loanh quanh gần đây để khi cần hàng xóm, con cháu tìm cũng tiện. Chứ mọi khi tôi đi cách xa cả chục cây số. Đi xa như vậy để kiếm những lô nhiều mủ đất mới mong có tiền lo cho nó”. Dứt lời, cụ đưa chúng tôi vào một túp lều lụp xụp khoảng chừng 9m2 mà cụ gọi là cái nhà được quây bằng những tấm bạt, rồi cụ chỉ tay vào anh con trai đang nằm trên chiếc võng giữa mùi hôi nồng nặc trong căn lều giữa cái nắng chiều gay gắt. Đó là anh Trần Văn Trung, con trai lớn của cụ Phơi, anh Trung năm nay 43 tuổi hiện đang mắc bệnh tiểu đường mà theo cụ cho biết đã ở giai đoạn nặng (độ 3) và bị mù cả hai mắt. Rưng rưng dòng nước mắt cụ nói về đứa con của mình với một nỗi khát khao. Cụ nói, tôi chỉ cầu mong trời phật cho mình sức khỏe còn kiếm được đồng tiền mà nuôi nó qua ngày. Nó là con trai lớn trong nhà, còn một đứa em gái và một đứa em trai; do tụi nó đứa nào cũng nghèo nên chẳng giúp được gì cho mẹ với anh. Lúc trước thằng Trung nó còn mạnh thì mẹ con mướn nhà ở lắt lây, sau này khi bệnh tiểu đường của nó chuyển qua giai đoạn nặng nó đi lại khó khăn hơn, tiền cũng không có nên mẹ con đành dọn về đây dựng một túp lều trên một phần đất của đứa con rể và một phần đất của hàng xóm cho ở nhờ. Hàng ngày tôi đi mót mủ đất, thời điểm giá mủ cao thì mỗi ngày được từ 20.000 - 25.000 đồng, còn hiện nay thì chỉ khoảng 15.000 đồng là quý lắm.
 
Cụ Lại Thị Phơi và con trai, anh Trần Văn Trung trong túp lều ở đậu
Khó khăn lại càng khó khăn hơn, khi năm 2010 anh Trung bị biến chứng mù cả hai mắt. Theo anh kể nghe một người bạn mách nước muốn trị khỏi bệnh tiểu đường chỉ cần bắt con cóc rồi lấy hạt cau giã ra và nướng lên ăn cùng với cóc sẽ khỏi. Nghe lời mách nước anh Trung làm theo và anh đã mù hoàn toàn đôi mắt. Từ đó đến nay cuộc sống của anh hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ già. Từ tiền ăn, uống hàng ngày cho đến tiền đi bệnh viện điều trị căn bệnh tiểu đường quái ác đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập chính là mấy trăm ngàn tiền trợ cấp người cao tuổi của cụ Phơi cùng những ngày công mót mủ đất của cụ. Cụ Phơi cho biết mặc dù hiện nay cụ được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhưng số tiền chi phí đi lại, ăn uống và cả thuốc thang không có trong danh mục cấp phát cũng là một khoản tiền khá lớn. Cứ khoảng 10 ngày cụ lại phải đưa anh Trung đi bệnh viện điều trị bệnh khoảng 3 tuần rồi lại về, cứ như vậy suốt mấy năm nay. Lặng nhìn đứa con đau bệnh nằm trên chiếc võng, cụ xót xa: Tôi khổ thế nào cũng chịu được, chỉ mong nó bình phục, mạnh trở lại. Không biết lỡ một ngày nào đó tôi kiệt sức thì nó ra sao đây. Cũng may vừa qua nó vừa được mổ mắt miễn phí, nên hiện nay một mắt nó cũng đã nhìn thấy đường, còn lại một mắt nữa tôi đang chờ mong có đợt nào đó xin cho nó đi mổ tiếp. Dù sao nó nhìn thấy đường và đi lại được, tôi không còn phải lo cho nó tất cả mọi việc thì cũng đỡ phần nào. Giờ chỉ có căn bệnh tiểu đường của nó nữa...
Chia tay cụ Lại Thị Phơi, chúng tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh người mẹ già nhỏ thó đầu đội nón mê, tay dắt chiếc xe đạp cà tàng, phía trước chiếc túi, phía sau chiếc bao, khuôn mặt gầy gò khắc khổ, lúi cúi lượm những miếng mủ đất; hay ngồi trong căn lều lụp xụp cùng với người con trai bệnh đau với mong ước giản dị là “tui chỉ mong sao tôi khỏe mạnh để làm kiếm tiền nuôi nó”. Một ước mong giản dị của một người mẹ đã ngoài 70 nhưng vẫn hàng ngày lặn lội vào lô cao su để nhặt từng miếng mủ đất.
HOÀI PHƯƠNG